Rời nước Pháp Gilbert du Motier de La Fayette

Năm 1775, khi tới Metz trong một cuộc tập huấn thường niên của đơn vị, La Fayette gặp Charles-François, Bá tước xứ Broglie, người chỉ huy Quân đội Miền đông, và là người quan tâm đến Cách mạng Hoa Kỳ. Bá tước Broglie mời viên sĩ quan trẻ La Fayette gia nhập Hội Tam Điểm. Khi Công tước Gloucester – em trai vua George III của Anh và là một người chỉ trích chính sách thuộc địa – đi qua vùng này, ông có một buổi ăn tối cùng Bá tước Broglie và La Fayette[2]. Hồi ký của La Fayette có ghi lại về buổi gặp gỡ này: "Khi tôi lần đầu tiên biết về cuộc tranh chấp, trái tim tôi như đã bị chinh phục và tôi chỉ nghĩ tới việc đứng dưới lá cờ cách mạng"[10]. Mùa thu, La Fayette quay trở lại Paris, tham dự các cuộc tranh luận về quan hệ của nước Pháp với cuộc cách mạng tại Hoa Kỳ. Trong những buổi thảo luận này, tu viện trưởng Guillaume Raynal thường nhấn mạnh tới quyền con người, đồng thời cũng chỉ trích giới quý tộc, tăng lữ và chế độ nô lệ. Khi bị triều đình cấm diễn thuyết, Guillaume Raynal vẫn kín đáo bày tỏ quan điểm của mình trong Hội Tam Điểm, tổ chức mà La Fayette đã là một thành viên[11].

Ngày 7 tháng 12 năm 1776, qua Silas Deane, một đại diện của Mỹ tại Paris, La Fayette thu xếp cho việc gia nhập Quân đội Hoa Kỳ của mình với cấp tướng[12]. Khi được biết, cha vợ của La Fayette không tán thành và bổ nhiệm La Fayette tới một chức vụ ở Anh. Thế nhưng quãng thời gian ở Anh cũng mau chóng kết thúc sau một lần La Fayette từ chối nâng cốc chúc mừng vua George III[13]. Năm 1777, nhờ sự thuyết phục của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Charles Gravier, Chính phủ Pháp quyết định tài trợ cho Quân đội Hoa Kỳ một triệu livre. Bá tước Broglie gặp Johann de Kalb, một sĩ quan người Đức ủng hộ Mỹ. Sau buổi nói chuyện về hoàn cảnh của nước Mỹ khi ấy, Bá tước Broglie đề xuất với Charles Gravier kế hoạch hỗ trợ cho phe cách mạng ở Hoa Kỳ và giới thiệu La Fayette với Johann de Kalb[14].

Trở lại Paris, được biết Quốc hội Lục địa - tức Quốc hội cách mạng Hoa Kỳ - không thể chi trả cho chuyến đi của mình, La Fayette tự bỏ tiền mua con tàu La Victoire[15]. Vua Louis XVI, biết được kế hoạch của La Fayette qua tình báo của Anh, ra lệnh La Fayette phải tới nhập trung đoàn của người cha vợ, khi đó đang ở Marseille[16], chống lại lệnh cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ bị bắt và giam giữ. Theo đề nghị của Đại sứ Anh, con tàu La Victoire đang đóng ở xưởng Bordeaux bị tịch thu và La Fayette cũng bị đe dọa bắt giữ[17][18][19]. Để trốn tránh, La Fayette cải trang thành một người đưa thư và tới Tây Ban Nha. Ngày 20 tháng 4 năm 1777, cùng 11 người khác, La Fayette xuống tàu đi Mỹ, bỏ lại người vợ khi đó đang mang thai[7]. Viên thuyền trưởng con tàu định dừng chân ở quần đảo Tây Ấn (tức Caribbean) để bán số hàng hóa mà họ chở theo, nhưng La Fayette lo sợ bị bắt giữ, đã mua toàn bộ số hàng để tránh việc tàu phải dừng lại. Họ cuối cùng cập bến Đảo Bắc gần Georgetown, Nam Carolina vào ngày 13 tháng 6 năm 1777[13][20].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gilbert du Motier de La Fayette //nla.gov.au/anbd.aut-an35287742 http://www.boston.com/news/local/articles/2007/06/... http://books.google.com/books?id=0bQ7AAAAMAAJ&q=Th... http://books.google.com/books?id=A9SAEEJACNkC&dq=L... http://books.google.com/books?id=C7kYAAAAYAAJ&dq=L... http://books.google.com/books?id=FpmzBfo5dRgC&dq=%... http://books.google.com/books?id=HcgEAAAAYAAJ&pg=R... http://books.google.com/books?id=J777rlgcm9sC&dq=m... http://books.google.com/books?id=KY-dAAAACAAJ&dq=S... http://books.google.com/books?id=N7chHQAACAAJ&dq=O...